Bất động sản công nghiệp phía Bắc: “Mưa” dự án hút hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

Năm 2024, lĩnh vực kinh doanh bất động sản giữ vị trí thứ 2 khi hút hơn 6,3 tỷ USD. Các “thủ phủ” công nghiệp như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên… liên tục đón dự án lớn, trở thành “miếng bánh” ngon thu hút nhà đầu tư quốc tế.

Theo báo cáo của của Tổng cục Thống kê, trong năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 38,23 tỷ USD. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản giữ vị trí thứ 2 khi hút hơn 6,3 tỷ USD, tăng hơn 35% so với năm 2023.

Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh trong các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh ghi nhận đạt hơn 4,1 tỷ USD, đạt 342% so với kế hoạch. Trong đó, vốn FDI đạt hơn 3,6 tỷ USD và vốn trong nước khoảng 417,4 triệu USD.

Riêng khu vực phía Bắc, những “thủ phủ” công nghiệp như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng… cũng đã ghi nhận hút hàng tỷ USD vào những dự án khu công nghiệp.

Bất động sản công nghiệp phía Bắc: “Dọn tổ” hút loạt nhà đầu tư lớn

Chẳng hạn như, Hưng Yên trong năm 2024 nổi bật với việc thu hút FDI đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên, tỉnh đã thu hút được 180 dự án đầu tư, bao gồm 109 dự án trong nước và 71 dự án nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 61 nghìn tỷ đồng và hơn 1,5 tỷ USD, tăng 135% so với năm 2023.

Hay ở Hải Dương, trong năm 2024, đã thu hút được 50 dự án mới có vốn FDI trong năm 2024 với tổng vốn đăng ký đạt 410 triệu USD. Có 32 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 270 triệu USD. Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án mới trong các khu công nghiệp như Đại An, Phú Thái và Tân Trường.

Đến nay có khoảng 300 dự án thứ cấp trong khu công nghiệp đã triển khai đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Số dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục bảo đảm đủ điều kiện xây dựng nhà xưởng.

Bắc Ninh ghi nhận dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 5,12 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.. Các khu công nghiệp như VSIP Bắc Ninh, Yên Phong và Quế Võ đã chứng kiến sự gia tăng về số lượng dự án và vốn đầu tư.

Bắc Giang liên tiếp đón những khu công nghiệp lớn như Vân Trung, Quảng Châu, Hòa Phú và thu hút được sự quan tâm của các tập đoàn lớn, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và công nghệ cao. Việc đầu tư vào hạ tầng giao thông và tiện ích công cộng cũng được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Cuối cùng là Hải Phòng tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp và cảng biển quan trọng của miền Bắc, đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 4,94 tỷ USD, chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư. Năm 2024, thành phố đã thu hút được nhiều dự án FDI lớn trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và logistics.

Các khu công nghiệp như Đình Vũ – Cát Hải, Tràng Duệ và VSIP Hải Phòng đã chứng kiến sự gia tăng về số lượng dự án và vốn đầu tư. Đặc biệt, lĩnh vực logistics và dịch vụ cảng biển đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

“Mưa” dự án ngay từ đầu năm 2025

Ngay từ những ngày đầu năm 2025, nhiều dự án khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được phê duyệt triển khai. Ngày 14/1, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tràng Duệ 3, TP. Hải Phòng được Chính phủ ban hành quyết định chấp thuận đầu tư với tổng vốn dự kiến hơn 8.094 tỷ đồng. Đáng lưu ý, Hải Phòng đã có 5 dự án được cấp phép đầu tư, chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, khu đô thị với tổng vốn đầu tư lên hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tới ngày 21/1, Phú thủ tướng ký quyết định về chủ trưởng đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nghĩa Hưng tại tỉnh Bắc Giang. Dự án này có vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng do CTCP Công nghiệp Gilimex Bắc Giang đầu tư.

Ngoài những dự án được phê duyệt khi đón vốn đầu tư nước ngoài thì những “thủ phủ” này còn ghi nhận rất nhiều dự án có vốn đầu tư trong nước.

“So kè” lợi thế phát triển bất động sản công nghiệp Việt Nam và các nước khu vực ASEAN

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hôi Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS, cho biết trước kia cảng của Việt Nam chưa có quy mô lớn, lượng tàu trọng tải trên 100.000 tấn rất khó vào. Hiện đã khác, hệ thống cảng biển Việt Nam tự tin đón những tàu container lớn nhất thế giới, với hai gương mặt nổi bật là cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) và cụm cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Ngoài hệ thống cảng biển ngày càng phát triển, Việt Nam đang đặt mục tiêu xây dựng 3.000 km trong năm 2025, trải dài các khu công nghiệp từ Bắc vào Nam, làm cho chi phí logistics giảm đi rõ nét.

Các sân bay ở Việt Nam cũng đã được mở rộng và kết nốt với quốc tế. Sân bay Long Thành dự kiến được hoàn thành giữa năm 2026, dự kiến trở thành đầu mối quan trọng của Việt Nam với thế giới, nhiều nước có thể bay thẳng đến Việt Nam và không phải quá cảnh tại một nước thứ ba.

Bên cạnh các lợi thế về logistics, Việt Nam cũng đang là “ngôi sao sáng” từ việc Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.

Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ sẽ đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sản xuất sang quốc gia khác mà Việt Nam tiếp tục được xem là điểm đến chiến lược nhờ nhiều lợi thế. Vì vậy, còn nhiều cơ hội cho các chủ đầu tư và đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp. Loại hình nhà kho, nhà xưởng xây sẵn dự báo được phát triển dồi dào và đa dạng hơn nữa khi nhu cầu thị trường ngày càng tăng lên.

Nguồn: danviet.vn

Trả lời